Bệnh loãng xương thường phát triển thầm lặng, không đau, không triệu chứng, vì vậy hầu hết người bệnh không phát hiện để phòng tránh và chữa trị kịp thời.Tại Việt Nam, bệnh loãng xương đã vượt mức báo động…
Bệnh loãng xương thường phát triển thầm lặng, không đau, không triệu chứng, vì vậy hầu hết người bệnh không phát hiện để phòng tránh và chữa trị kịp thời.
Tại Việt Nam, bệnh loãng xương đã vượt mức báo động. Trước đây, loãng xương chỉ thường xuất hiện ở những người lớn tuổi do bị giảm nội tiết tố, xương bị xốp dẫn đến loãng xương.
Nhưng hiện nay, xu hướng mắc nguy cơ loãng xương ngày càng trẻ hoá đặc biệt là phụ nữ bởi nhiều lý do như di truyền, ăn uống thiếu chất, lao động quá sức…
Dưới đây là 6 đối tượng có nguy cơ loãng xương cao nhất:
1. Phụ nữ sau mãn kinh: Do hoạt động của buồng trứng ngưng lại, không còn nội tiết tố có chức năng ức chế hoạt động của các tế bào phá hủy xương. Vì vậy, phụ nữ sau khi mãn kinh thường gặp các biến chứng của loãng xương như gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay…
2. Người nằm bất động quá lâu do bệnh tật: Khi đó, các tế bào phá hủy xương có cơ hội tăng hoạt tính dẫn đến loãng xương.
3. Người mắc các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, tiểu đường… và đặc biệt là suy giảm chức năng của các tuyến sinh dục (buồng trứng với nữ và tinh hoàn đối với nam).
4. Người mắc bệnh suy thận mãn tính hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất nhiều canxi qua đường tiết niệu.
5. Người mắc các bệnh xương khớp mãn tính.
6. Người sử dụng một số thuốc: kháng viêm, chống động kinh, chữa bệnh tiểu đường… lâu ngày sẽ ức chế quá trình tạo xương. Bên cạnh đó, làm giảm hấp thu canxi ở ruột, tăng bài tiết canxi ở thận, từ đó làm tăng quá trình phá hủy xương.
Theo Gokuyuri/Suckhoegiadinh.com.vn