Nguyên nhân gây rụng tóc không chỉ là do di truyền dẫn đến hói đầu mà còn do những thay đổi tâm sinh lý và cách bạn chăm sóc mái tóc hàng ngày nữa đấy. Có một thực tế là nam giới sẽ dễ bị rụng tóc hơn nữ giới, phần lớn nguyên nhân là do hói kiểu nam có tính chất di truyền. Tuy nhiên…
Nguyên nhân gây rụng tóc không chỉ là do di truyền dẫn đến hói đầu mà còn do những thay đổi tâm sinh lý và cách bạn chăm sóc mái tóc hàng ngày nữa đấy.
Có một thực tế là nam giới sẽ dễ bị rụng tóc hơn nữ giới, phần lớn nguyên nhân là do hói kiểu nam có tính chất di truyền. Tuy nhiên, hiện tượng tóc ít và rụng tóc cũng khá phổ biến ở nữ giới. Nguyên nhân có thể do các tác nhân tạm thời như thiếu hụt vitamin cho đến những lý do phức tạp hơn liên quan đến sức khỏe.
Chúng ta đều có giải pháp để điều trị chứng rụng tóc ở nam và nữ, tất cả đều phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra rụng tóc. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến tóc của bạn thưa dần.
1. Tổn thương về thể chất
Bất kỳ loại phẫu thuật chấn thương thể chất nào như tai nạn xe hơi, bệnh nặng, ngay cả bệnh cúm đều có thể gây ra rụng tóc tạm thời. Điều này có thể gây ra một loại rụng tóc gọi là telogen effluvium.
Tóc có vòng đời khá rõ ràng: giai đoạn tăng trưởng, giai đoạn nghỉ ngơi và giai đoạn rụng tóc. Khi bạn gặp phải một sự việc khiến bạn căng thẳng thực sự, nó có thể gây sốc cho chu kỳ tóc, khiến cho tóc tiến vào giai đoạn cuối là rụng tóc nhanh hơn. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy tóc rụng do căng thẳng về thể chất từ sau 3–6 tháng sau khi tổn thương.
Tin tốt lành là tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại khi cơ thể bạn hồi phục, vậy nên bạn không cần lo lắng nhiều về vấn đề này.
2. Ảnh hưởng của thai kỳ
Mang thai là một trong những ví dụ điển hình của một loại căng thẳng về thể chất có thể dẫn đến rụng tóc. Các hormone trong cơ thể của bạn sẽ thay đổi khi bạn có thai. Thường thì các bà bầu sẽ nhận thấy tóc rụng nhiều hơn sau khi sinh so với lúc bạn đang mang thai. Dù vậy, một số người cũng hay gọi đây là giai đoạn tổn thương nhưng thiêng liêng đối với một người phụ nữ.
Thực tế có một số bài tập giúp tóc mọc lại nhanh hơn. Nếu bạn áp dụng những bài tập này thì có thể tóc bạn sẽ mọc lại nhanh hơn trong vòng vài tháng.
3. Dư vitamin A và thiếu protein
Theo Viện Hóa học da liễu Hoa Kỳ, việc lạm dụng các chất bổ sung hoặc thuốc có chứa vitamin A có thể gây rụng tóc. Giá trị hàng ngày cho vitamin A là 5.000 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi; chất bổ sung có thể chứa 2.500 đến 10.000 IU.
Cũng theo Viện Hóa học Mỹ, nếu bạn không có đủ chất đạm mà cơ thể cần, thì đương nhiên tóc của bạn cũng không có đủ chất dinh dưỡng và dẫn đến gãy rụng . Hiện tượng này có thể diễn ra từ sau 2–3 tháng sau khi bạn cung cấp thiếu protein cho cơ thể.
Bạn có thể cắt giảm bớt lượng vitamin mà bạn đang cung cấp cho cơ thể. Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung protein cho mình thông qua rất nhiều nguồn thực phẩm giàu protein như cá, thịt hay trứng.
4. Hói đầu do hormone
Khoảng 2/3 nam giới đều bị rụng tóc ở tuổi 60, và hầu hết là do chứng hói đầu ở nam giới. Loại rụng tóc này do một hợp chất của các gen và các hormone giới tính nam. Rụng tóc thường bắt đầu ở phía trước trán hình chữ M hoặc vùng chỏm đầu.
Bạn có thể dùng những loại kem đặc trị như minoxidil và thuốc uống như finasteride có thể ngăn ngừa rụng tóc hoặc thậm chí giúp mọc tóc. Phẫu thuật cấy ghép hoặc ghép tóc cũng là một lựa chọn.
5. Di truyền từ gia đình
Rụng tóc kiểu của phụ nữ, được gọi là chứng rụng tóc androgenic hoặc dị ứng, về cơ bản là phiên bản nữ của chứng hói đầu kiểu nam. Nếu bạn sinh ra trong một gia đình mà phụ nữ bắt đầu rụng tóc ở một độ tuổi nào đó, thì bạn có nhiều nguy cơ mắc chứng rụng tóc hơn. Không giống nam giới, phụ nữ không có khuynh hướng bị rụng tóc, thay vào đó tóc của họ sẽ mỏng hơn.
Cũng giống như nam giới, phụ nữ có thể sử dụng minoxidil để giúp phát triển tóc, hoặc ít nhất là duy trì tình trạng hiện tại của mái tóc.
6. Giảm cân đột ngột
Nếu bạn giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn thì có thể gây ra hiện tượng rụng tóc. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi việc giảm cân này tốt cho sức khỏe của bạn. Khi giảm cân thì chế độ ăn uống của bạn cũng vô tình ảnh hưởng đến cơ thể vì bạn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin và khoáng chất. Rụng tóc cũng có thể là một dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống.
Việc giảm cân đột ngột sẽ khiến nhiều cơ quan trong cơ thể bạn bị rối loạn. Bạn sẽ trải qua chứng rụng tóc trong khoảng 6 tháng và sau đó khi cơ thể bạn điều chỉnh lại thì tóc sẽ không còn rụng nữa. Tuy nhiên, hãy áp dụng chế độ giảm cân khoa học để cơ thể bạn vẫn nhận được các dưỡng chất thiết yếu.
7. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc khác cũng có thể thúc đẩy rụng tóc. Thường gặp nhất là một số chất làm loãng máu và các thuốc chống huyết áp được biết đến như thuốc chẹn beta. Các thuốc khác có thể gây rụng tóc bao gồm methotrexate (dùng để điều trị chứng thấp khớp và một số vấn đề da liễu), lithium (đối với rối loạn lưỡng cực), thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) bao gồm ibuprofen, và có thể cả thuốc chống trầm cảm.
Nếu bác sĩ của bạn xác định một hoặc nhiều loại thuốc mà bạn đang sử dụng gây ra rụng tóc, hãy thử đổi thuốc khác hoặc giảm liều lượng.
8. Tạo kiểu tóc quá nhiều
Các kiểu tóc bạn tạo cũng như các sản phẩm dành cho tóc mà bạn đang sử dụng có thể là nguyên nhân gây ra rụng tóc. Một số kiểu như thắt tóc thành bím chặt, uốn xoăn hay duỗi, cộng với việc sử dụng một số sản phẩm như thuốc nhuộm, máy kéo tóc cũng khiến tóc hư tổn. Dù đẹp nhưng khi tạo kiểu cho tóc thì bạn phải chấp nhận việc tóc bị hư tổn, thậm chí là phần gốc của tóc cũng bị hư tổn dẫn đến việc tóc không mọc lại được nữa.
Học viện da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng dầu xả sau mỗi lần gội đầu, để tóc khô, hạn chế thời gian kẹp uốn tóc tiếp xúc với tóc và sử dụng các sản phẩm nhiệt không quá một lần một tuần.
“Cái răng cái tóc là gốc con người”, vì vậy bạn cần giữ cho tóc luôn khỏe mạnh. Nếu bạn bị rụng tóc, hãy đến gặp bác sĩ để tìm ra cách giải quyết nhé.
Tác giả: Vy Le
Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh