Các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hẹp mạch vành… ngày càng nhiều và phổ biến ở xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tạo dựng thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học kết hợp lựa chọn những thực phẩm quen thuộc dễ kiếm có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch…
Các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hẹp mạch vành… ngày càng nhiều và phổ biến ở xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tạo dựng thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học kết hợp lựa chọn những thực phẩm quen thuộc dễ kiếm có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch sẽ giúp đẩy lùi căn bệnh có tỉ lệ người mắc đứng hàng đầu thế giới.
Nguyên tắc dinh dưỡng đề phòng bệnh tim tới “hỏi thăm”
Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng: Nên ăn 3 bữa/ngày (người già 4-5 bữa/ngày), ăn đúng giờ quy định để tạo cho cơ thể hình thành phản xạ: dạ dày tiết nhiều dịch vào khoảng thời gian nhất định, khiến sự tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và dễ dàng.
Hạn chế dùng muối ăn: Thói quen ăn mặn rất có hại, là một trong những nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim và xuất hiện các cơn đau tim. Giảm muối natri: nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ở các quần thể dân cư có tập quán ăn mặn thì tỷ lệ người bị tăng huyết áp cao hơn hẳn với các quần thể có tập quán ăn nhạt hơn. Vì vậy, chỉ nên ăn dưới 6 gam muối/ngày.
Ăn vừa đủ no: Để tránh bị thừa cân và phòng ngừa bệnh tật, mỗi người nên ăn vừa đủ no, không ăn nhiều, ăn cố.
Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo: Hạn chế sử dụng các loại thịt, cá xuống còn 150-200 gam/ngày. Sử dụng thịt thăn, thịt bắp không dính mỡ. Loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn nước xào, nước ninh xương ống, xương cục; không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm; hạn chế ăn phủ tạng động vật.
Những thực phẩm giúp bạn tránh xa khỏi bệnh tim
Hoa quả chín: Các nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại hoa quả sau khi ăn vào sẽ được cơ thể hấp thu. Tại đường tiêu hóa, nó có thể “bao vây” chất cholesterol và những chất có chứa cholesterol và thải ra theo phân. Các chuyên gia tin rằng, nếu giảm được 1% lượng cholesterol trong máu thì sẽ giảm được 2% khả năng phát sinh ra bệnh tim mạch. Đây chính là nguyên lý ăn hoa quả để phòng bệnh tim mạch. Những hoa quả như táo, hạnh đào, cam quýt… đều rất tốt.
Bưởi: Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, bưởi làm hạ lượng cholesterol nên có thể phòng bệnh tim. Ăn bưởi giúp hạ cholesterol mà còn giảm bớt mức độ tổn hại của thành mạch. Đặc biệt, chất tinh dầu trong vỏ bưởi có thể ngăn cản việc hấp thụ cholesterol của ruột non, để tăng hiệu quả có thể trộn lẫn với bột đậu để dùng.
Táo: Người Hy Lạp cổ coi táo là “thuốc thanh xuân”. Y học hiện đại cũng khuyên bệnh nhân tuỳ theo bệnh mà ăn các loại táo khác nhau, riêng để phòng bệnh xơ cứng động mạch thì tất cả các loại táo đều tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người bệnh xơ cứng động mạch sau khi mỗi ngày ăn 300g táo trong thời gian dài, hiện tượng xơ cứng đã giảm.
Khoai tây: Người bị bệnh tim đều bị phù thũng ở các mức độ khác nhau nên thường dùng thuốc lợi tiểu, dễ gây mất kali cho cơ thể. Do vậy, những người này cần thường xuyên ăn khoai tây giàu chất kali, vừa bổ sung kali lại bổ sung protid, khoáng chất và vitamin.
Hành tây: Hành tây là một loại gia vị thông dụng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, canxi, phốtpho, sắt… Theo kết quả đã nghiên cứu 5.132 đối tượng trong 25 năm và thấy rằng, hành tây giúp phòng chống bệnh động mạch vành rất tốt. Trong hành có chứa chất chống ôxy hoá, nó có tác dụng giảm tích tụ tiểu cầu, giảm thiếu máu cục bộ, tránh tổn thương mạch và từ đó có tác dụng phòng bệnh tim. Ngoài ra, một số loại quả khác như cà rốt, cải thảo, bí xanh, cà tím, cà chua, nho đỏ cũng có tác dụng tương tự.
Cà chua: Theo các nhà khoa học Mỹ thì cà chua có tác dụng bảo vệ tim và hạ tỷ lệ phát bệnh tim. Lý do vì trong cà chua có một chất chống ôxy hoá rất mạnh, có thể phòng chống tổn thương cho tế bào cơ tim. Các nhà dinh dưỡng học khuyên mỗi ngày ăn một quả cà chua sống là đủ, nếu uống nước cà chua thì không quá 200ml/ngày. Tuy nhiên, không nên ăn cà chua lúc đói vì cà chua có lượng axit lớn, nếu ăn vào nó sẽ kết hợp với dịch chua trong dạ dày trở thành hợp chất không hoà tan làm áp lực trong dạ dày tăng cao, dễ dẫn tới đau dạ dày.
BS. Trần Anh Ngọc
http://suckhoedoisong.vn/